1. Chính trị - ngoại giao:

Việt Nam và Na Uy thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/11/1971.

Việt Nam mở Đại sứ quán tại Oslo năm 1978, đóng cửa năm 1982 và mở lại ngày 23/12/2009.

Na Uy mở Đại sứ quán tại Hà Nội năm 1996.

Trao đổi đoàn cấp cao:

- Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Na Uy: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1977), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1995), Thủ tướng Phan Văn Khải (1999), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (6/2008), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (5/2019).

- Lãnh đạo cấp cao Na Uy thăm Việt Nam: Thủ tướng Gro Harlem Brundtland (1996), Nhà Vua Harald V và Hoàng hậu Sonja (2004), Thái tử kế vị Haakon và Công nương Mette-Marit (2014), Thủ tướng Erna Solberg (4/2015).

Các cơ chế trao đổi thông tin và hợp tác:

- Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao

- Đối thoại nhân quyền cấp Vụ trưởng Bộ Ngoại giao

2. Thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển:

- Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều hai nước năm 2019 đạt hơn 571 triệu USD (năm 2018 là 363 triệu USD). Việt Nam xuất khẩu sang Na Uy  thủy sản, rau quả, dệt may, giày dép, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm từ gỗ ... và nhập từ Na Uy chủ yếu các các mặt hàng hải sản, sản phẩm hóa chất, phân bón, thiết bị, máy móc…

- Về đầu tư, năm 2019, Na Uy có 44 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký hơn 191 triệu USD, xếp thứ 40/132 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Có khoảng 40 doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động tại Việt Nam, tập trung chủ yếu ở Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Phòng. Các dự án của Na Uy chủ yếu tập trung trong lĩnh vực chế biến gỗ, vật liệu xây dựng và trang trí nội thất; nông lâm nghiệp, thủy sản, thông tin và truyền thông. Ngoài ra, Na Uy có một số dự án đầu tư gián tiếp với số vốn hàng trăm triệu USD. Cho đến nay, Việt Nam chưa có dự án đầu tư ở Na Uy.

- Về hợp tác phát triển, Na Uy là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam trong Chương trình LHQ về giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (UN-REDD). Tổng viện trợ của Na Uy dành cho Việt Nam đến nay đạt khoảng 320 triệu USD. 

​3. Văn hóa, giáo dục, du lịch:

- Về văn hóa, từ 2007 - 2015 Na Uy triển khai Dự án Transposition hỗ trợ 12 tổ chức nghệ thuật (nhà hát, nhạc viện…) của Việt Nam tổ chức các chương trình hòa nhạc chung, mở các lớp tập huấn, đào tạo ngắn ngày cho học sinh, sinh viên và các nghệ sỹ, phát triển thư viện và lưu trữ tư liệu, bảo dưỡng nhạc cụ…., tổ chức một số hội thảo chuyên ngành nghệ thuật, âm nhạc...   

 - Về giáo dục đào tạo, Na Uy cung cấp học bổng cho lưu học sinh Việt Nam theo chương trình học bổng sinh viên quốc tế, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên và cán bộ nghiên cứu thuộc một số trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam (ĐH Nha Trang, ĐH Nông nghiệp I, ĐH Bách khoa Hà Nội…); cấp một số học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam; hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong các lĩnh vực luật quốc tế...

- Về du lịch, Việt Nam áp dụng miễn thị thực đơn phương cho công dân nhập cảnh vào Việt Nam và cư trú dưới 15 ngày từ 2005. Việt Nam đón trung bình mỗi năm khoảng 20.000 khách từ Na Uy.  

4. Các hiệp định đã ký giữa hai nước:

- Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và trốn lậu thuế (1995)

- Hiệp định về các điều khoản và thủ tục chung cho hợp tác phát triển (1996)

- Hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại (1997)

- Hiệp định vận chuyển hàng không (1997)

- Hiệp định về nhận trở lại công dân (2007).

 

 

 

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​